Thiết kế và chế tạo HMS_Benbow_(1913)

Thiết kế

Những chiếc trong lớp Iron Duke có thiết kế dựa trên phiên bản mở rộng của lớp thiết giáp hạm King George V (1911) dẫn trước. Benbow có chiều dài chung 622 foot (189,6 m), mạn thuyền rộng 90 foot (27,4 m), và độ sâu của mớn nước là 29 foot (8,8 m) khi đầy tải nặng.[3] Trọng lượng choán nước của Benbow là 25.000 tấn Anh (25.000 t),[3] nặng hơn so với lớp dẫn trước chủ yếu là do gia tăng cỡ nòng của dàn pháo hạng hai.[4] Hệ thống động lực bao gồm bốn turbine hơi nước Parsons dẫn động trực tiếp; hơi nước được cung cấp từ 18 nồi hơi Babcock & Wilcox đốt than, có bổ sung thiết bị phun dầu để nhanh chóng nâng áp lực hơi nước. Động cơ cung cấp một tổng công suất 29.000 hp (22.000 kW), cho phép đạt đến tốc độ tối đa 21,5 hải lý trên giờ (39,8 km/h; 24,7 mph);[5] Benbow có thể mang theo tối đa 3.250 t (3.200 tấn Anh; 3.580 tấn thiếu) than cùng 1.050 t (1.030 tấn Anh; 1.160 tấn thiếu) dầu; cho phép nó có tầm hoạt động tối đa 7.780 hải lý (14.410 km; 8.950 dặm)[Chuyển đổi: Tùy chọn không hợp lệ] ở tốc độ đường trường 10 kn (19 km/h; 12 mph).[6][7]

Benbow mang một dàn pháo chính bao gồm mười khẩu pháo BL 13,5 in (340 mm) Mk V trên năm tháp pháo nòng đôi bố trí trên trục giữa,[7] gồm hai tháp pháo phía trước và hai phía sau bắn thượng tầng, cùng một tháp pháo giữa tàu nhưng có góc bắn giới hạn. Dàn pháo hạng hai là một cải tiến lớn so với lớp King George V dẫn trước, thay thế pháo 4 inch (100 mm) bằng 12 khẩu pháo cỡ nòng 6 inch (150 mm), cho phép Benbow đối đầu hiệu quả với tàu khu trụctàu phóng lôi lớn hơn đang được chế tạo; tuy nhiên chúng bị ngập nước nặng khi di chuyển lúc biển động.[5][7] Lớp Iron Duke cũng là những tàu chiến Anh đầu tiên được trang bị vũ khí phòng không[5] với 2 pháo QF 3 in (76 mm) 20 cwt và 5 súng máy. Benbow cũng mang theo bốn ống phóng ngư lôi 21 inch (530 mm) hai bên mạn tàu.[7]

Benbow có đai giáp dày đến 300 mm (12 in) ở phần trung tâm của con tàu, nơi hầm đạn, phòng động cơ cùng các bộ phận thiết yếu của nó được bố trí. Đai giáp được vuốt mỏng còn 100 mm (3,9 in) về phía mũi và đuôi con tàu. Bệ tháp pháo có các mặt hông dày 250 mm (9,8 in) và phía sau dày 75 mm (3,0 in), nơi đạn pháo khó có thể bắn trúng. Bản thân tháp pháo có vỏ giáp dày 280 mm (11 in) ở các mặt. Lớp sàn bọc thép của con tàu dày 1–2,5 in (25–64 mm).[6] Sau trận Jutland vào tháng 5 năm 1916, có khoảng 820 tấn (820 t) vỏ giáp được bổ sung, chủ yếu nhằm gia cố sàn tàu chung quanh các tháp pháo chính và tăng cường vách ngăn cho các hầm đạn.[8] Không giống như con tàu chị em Iron Duke, nó không trang bị lưới chống ngư lôi, do ảnh hưởng làm giảm tốc độ con tàu.

Chế tạo

Benbow được đặt hàng trong Dự toán chế tạo hải quân 1911 và hợp đồng chế tạo nó được trao cho xưởng tàu của hãng William Beardmore and CompanyGlasgow.[1] Nó được đặt lườn vào ngày 30 tháng 5 năm 1912 và hạ thủy vào ngày 12 tháng 11 năm 1913.[2] Benbow được đưa ra hoạt động vào ngày 7 tháng 10 năm 1914, là chiếc thứ ba trong lớp Iron Duke được đưa vào hoạt động, sau các tàu chị em HMS Iron DukeHMS Marlborough. Nó có chi phí khoảng 1.891.600 Bảng Anh.[7] Khi chạy thử máy Benbow đạt được công suất 32.530 ihp (24.260 kW) và vượt hơn tốc độ thiết kế.[7]